Trà không chỉ dành cho các cụ!
TT - Mới sáng tinh mơ, không gian của hội thảo “Phát triển văn hóa trà Việt” (do Hiệp hội Chè VN chủ trì, diễn ra sáng 18-12 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ) đã khiến người tham gia tỉnh cả ngủ vì hương trà tươi thơm ngát quyện với hương sen cứ lan tỏa nhè nhẹ...
Khách tham dự thưởng thức trà tại hội thảo “Phát triển văn hóa trà Việt” - Ảnh: Th.Đạm |
Hội quán trà được dựng lên ngay trong không gian hội thảo đã cho các đại biểu, diễn giả và tất cả những ai quan tâm đến cây chè Việt một không khí thưởng trà thư thái, say sưa. Chè tươi được thả vài lát gừng cay, uống trong bát sứ tráng men. Nhấp một ngụm trà, ăn một miếng mứt sen hay bánh đậu xanh đặt cạnh, người thưởng trà có cảm giác đúng như lời nhà sư Tuệ Tĩnh từng nói: “Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể. Uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến”.
Giới thiệu bộ sưu tập trà cụ Việt xưa Đáng chú ý nhất trong hội thảo lần này là những ý kiến chia sẻ và giới thiệu tại chỗ bộ sưu tập trà cụ Việt xưa của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Tận mắt chứng kiến việc thưởng trà không chỉ đơn giản có trà và ấm pha, người xem phần nào cảm được văn hóa thưởng trà đặc sắc của người Việt xưa. Nào những hộp đựng trà bằng gáo dừa đầu thế kỷ 20, thìa múc nước súc miệng được khảm trai, ngọc cầu kỳ của thời Nguyễn, lò đốt trầm hương khi thưởng trà, hỏa lò, siêu đun nước, chung uống trà men trắng từ thời Lê thế kỷ 15, ấm pha trà men ngọc... Bỏ công sức nghiên cứu về trà Huế từ rất nhiều năm nay, vợ chồng nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (vợ ông là chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh - người đã góp nhiều công sức trong việc phục dựng các món ăn cung đình Huế xa xưa) đã tỉ mẩn sưu tập, nghiên cứu những ghi chép về các loại trà ngon nổi tiếng đất cố đô, nay mang ra chia sẻ như một niềm tự hào về độ hảo hạng và ưa dùng của trà Việt xưa. |
Nhu cầu thưởng trà, thói quen uống trà của người Việt hiện vẫn còn quá khiêm tốn. Trung bình một năm một người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 200 gam chè, trong khi đó con số này tại các nước vốn không phải là thủ phủ của cây chè như Pháp, Úc... lại lên tới 2kg/năm/người (gấp khoảng 10 lần).
Nhà sử học Dương Trung Quốc nửa đùa nửa thật chia sẻ: “Uống trà hình như được mặc định là chỉ dành cho các cụ già ngồi tán gẫu với nhau. Không thấy một trường học nào đưa trà vào thức uống học đường. Các cháu học sinh bây giờ học tập cũng căng thẳng lắm chứ, cây chè với bao tác dụng như thế mà lại chỉ cho các cháu uống nước trắng thì quả có uổng”.
Cũng với ý kiến “Trà không chỉ dành cho các cụ”, ông Nguyễn Kim Phong, chủ tịch Hiệp hội Chè Việt, khiến không khí khán phòng nóng lên bằng những câu chuyện bên lề: “Tôi ra nước ngoài đi đâu người ta cũng hỏi phụ nữ VN sao đẹp thế! Dáng hình thanh mảnh như cây tre, tôi bảo ấy là vì ngày xưa không có bơ, sữa, họ chỉ được uống nước trà từ trong lòng mẹ mà đẹp như vậy! Rồi chuyện những chiến sĩ ở chiến trường, trước khi nhảy vào bom rơi đạn lửa cũng phải mở biđông uống một ngụm nước trà. Bởi vì sao? Vì trà Việt ngon lắm!”.
Chưa từng nâng văn hóa trà lên thành trà đạo như Nhật Bản, lại càng khác với cách thưởng trà của người Trung Quốc từ triều Thanh về sau, người Việt xem trà là thứ tao nhã như cầm, kỳ, thi, họa để di dưỡng tinh thần. Theo dòng chảy của thời đại, trà từ lầu son gác tía, từ món thức uống chỉ dùng cho vua chúa, quan lại, thương gia với cách thưởng cầu kỳ đã ra đến... vỉa hè, được bình dân hóa như một thức uống phổ thông và dần mất đi giá trị văn hóa...
Kết thúc hội thảo, ngoài những lời kêu gọi các thương hiệu trà Việt phải vào cuộc để nâng tầm phát triển xa hơn thì một lo lắng - ngay chính tại thị trường nước nhà - lại chưa có câu trả lời: liệu một thế hệ trẻ có còn biết đến trà Việt hay chỉ còn biết đến những thức uống có gas tiện lợi, những cốc cà phê sành điệu đúng kiểu du nhập từ nước ngoài, và trà (lại sẽ) chỉ là món dành cho các cụ?
MINH TRANG
No comments:
Post a Comment