Bình luận
Phía sau chuyện cầu thủ thất nghiệp
TT - Thật buồn khi nhìn hình ảnh cầu thủ Bùi Xuân Quý của đội hạng nhất Bà Rịa - Vũng Tàu ngồi phụ gia đình bó rau hẹ mang đi bán. Hay cũng muốn rơi nước mắt khi đọc tâm sự của cầu thủ Ngô Viết Phú khi nói về tâm trạng của mình: ”Buồn lắm anh ơi, tụi tui muốn rơi nước mắt”... trong bài “Lao đao cầu thủ Việt” (Tuổi Trẻ ngày 16-12).
Đang từ chỗ 28 đội bóng dự V-League và hạng nhất, đùng một cái giờ đây chỉ còn 20 đội. Trung bình mỗi đội có 25 cầu thủ, vị chi có 200 cầu thủ chuyên nghiệp - hiểu theo khía cạnh sống bằng nghề đá bóng - trở nên thất nghiệp.
Xin đừng nhớ chuyện cầu thủ này nuôi gà chọi bạc tỉ, cầu thủ kia sắm đồng hồ bạc tỉ tặng người yêu... để bảo rằng “đáng đời”! Chuyện ấy chỉ có với những ngôi sao. Có đáng trách chăng là trách những người quản lý bóng đá làm không tốt, dẫn đến việc “cục sắt” bỗng dưng bị đẩy lên thành “vàng” gây ra ảo tưởng! Còn nhìn ở khía cạnh xã hội, câu chuyện 200 cầu thủ chuyên nghiệp trở nên thất nghiệp thật đáng để suy ngẫm khi họ đã phải học, phải tập, phải rèn luyện cực khổ mới có nghề chứ không phải thích là xỏ giày ra sân được.
Những cầu thủ chuyên nghiệp ở VN gần như tất cả đều giống nhau là xa gia đình từ 12, 13 tuổi để tập trung vào các trung tâm đào tạo. Ở đó, họ dù được cho ăn, cho mặc, thậm chí cho cả tiền tiêu nhưng bù lại chuyện học hành là một sự thiệt thòi. Sau cả chục năm khổ luyện, khi trưởng thành khoác áo thi đấu hạng nhất hoặc V-League, hành trang vào đời của họ chỉ có duy nhất một thứ là kỹ năng đá bóng. Vì vậy, khi họ thất nghiệp, chỉ còn cách phụ vợ bán bánh cuốn, về giúp gia đình cuốc đất trồng rau...
Từ đó, suy nghĩ sâu hơn nữa mới thấy thể thao đỉnh cao của chúng ta còn lắm chuyện phải bàn. Chúng ta tự hào rằng các tài năng thể thao đều được Nhà nước đầu tư để phát triển, khác hẳn với nhiều nước dù tiên tiến, gia đình phải chi tất tần tật cho con em mình khi chơi thể thao ở giai đoạn chưa trở thành đỉnh cao, nhưng không còn là chơi để khỏe.
Nhưng chính nhờ thế, người ta không có chuyện để một cậu thiếu niên nghiêng hẳn về chuyện học chơi thể thao mà xem nhẹ việc học nghề, học chữ. Đặc thù của nghề thể thao là tính đào thải khắc nghiệt - ngàn người chơi chưa chắc có được một tài năng thật sự, nên nếu đừng đẩy họ vào thế “được ăn cả ngã về không” thì khi không thành VĐV chuyên nghiệp cũng yên tâm với cái vốn chữ nghĩa hay một nghề khác đã học.
Có lẽ đã đến lúc phải tính lại chiến lược phát triển thể thao từ yếu tố căn bản là đào tạo một con người hoàn thiện cho xã hội. Có vậy mới không phải buồn, phải lo khi thấy cảnh cầu thủ mất cả chục năm học nghề đá bóng, nay thất nghiệp phải đi bán rau!
TRƯỜNG HUY
No comments:
Post a Comment