Wednesday, January 2, 2013

Ảo thuật Việt Nam: nhiều cái khó

Ảo thuật Việt Nam: nhiều cái khó

TT - Giữa tiết trời Hà Nội buốt lạnh, khán giả vẫn đến rạp xiếc trung ương xem liên hoan ảo thuật suốt ba đêm 29, 30 và 31-12-2012.

Khán giả nhiệt tình. Ban tổ chức cố gắng. Còn nghệ sĩ dù dốc sức song chất lượng nghệ thuật của các tiết mục vẫn dừng lại ở mức độ có sao làm vậy.

Nhiều đoàn ảo thuật không đủ kinh phí trang bị đạo cụ cho những tiết mục lớn. Trong ảnh: tiết mục cắt người của đoàn ảo thuật Hà Nội - Ảnh: Đức Triết

2/3 rạp xiếc trung ương (khoảng 1.000 chỗ) kín khán giả. Nhưng tiếng vỗ tay khen thưởng của khán giả dành cho xiếc thú, xiếc hề (tiết mục đan xen) nhiều hơn là dành cho 13 tiết mục ảo thuật của liên hoan.

Ảo thuật kể chuyện Trường Sa

Liên hoan ảo thuật toàn quốc do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, có 13 tiết mục của các đoàn hoạt động theo hình thức xã hội hóa đến từ Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị, Vũng Tàu, Tiền Giang. Các nghệ sĩ tham gia phần đông là những gương mặt mới, được xem là đội ngũ kế cận cho thế hệ ảo thuật gia nổi tiếng như Z27, Bảo Thu... Tại đêm gala đặc biệt, ban tổ chức đã trao ba giải vàng cho các đơn vị: Đoàn xiếc TP.HCM, Đoàn xiếc Vũng Tàu và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Giải bạc thuộc về CLB Xiếc TP.HCM, Đoàn ảo thuật Quảng Trị và nhóm ảo thuật Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam. Riêng CLB Hoa phượng đỏ (Hải Phòng) được nhận giải chủ đề hay nhất cho tiết mục Lính đảo xa.

Khán giả đã vỗ tay không ngớt khi Câu lạc bộ (CLB) Hoa phượng đỏ (Hải Phòng) biểu diễn tiết mục Lính đảo xa. Đây là trường hợp hiếm tại liên hoan. Ảo thuật khi đó không còn đứng đơn lẻ mà được lồng vào một câu chuyện: kể về Trường Sa. Diễn viên đều mặc quân phục hải quân chứ không lấp loáng kim tuyến. Ảo thuật biến ra rau, cái bát đựng nước ngọt, cây đàn guitar và thiếu nữ. Về kỹ thuật, những trò đó rất quen thuộc, thậm chí đơn giản hơn nhiều tiết mục của các đoàn khác nhưng vẫn khiến khán giả hào hứng cổ vũ.

“Tôi rất thích tiết mục của Hải Phòng. Cũng vì qua ảo thuật các nghệ sĩ đã lấy được cảm xúc của khán giả” - chị Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội) - nói.

Tác giả của tiết mục này là nghệ sĩ mặc áo lính - đại úy Quang Hợp, Đoàn văn công Quân chủng hải quân. Những gì diễn trên sân khấu đều là những trải nghiệm trong chuyến đi Trường Sa của đại úy Quang Hợp.

Vị chủ nhiệm CLB Hoa phượng đỏ gọi lần tham gia liên hoan này là “một cuộc chơi”. Mà đã chơi thì phải “cố” mà chơi cho đẹp. Và cách “chơi cho đẹp” của nghệ sĩ mặc áo lính này được thể hiện ở tinh thần là chính - như đưa câu chuyện Trường Sa vào ảo thuật - chứ còn có nhiều tiết mục muốn khoe với khán giả cũng đành chịu vì số tiền 20 hội viên góp lại cũng không đủ kinh phí thực hiện.

“Ở Hải Phòng không có đoàn xiếc. Ba năm thành lập CLB xiếc ảo thuật, chúng tôi đều tự bỏ tiền ra để hoạt động. Anh em đều xác định đây là cuộc chơi, mà đã chơi là phải tốn kém. Cái vui mỗi lần đi diễn là giúp bà con được biết, được xem ảo thuật” - nghệ sĩ Quang Hợp nói.

Khó diễn quá

Nhìn chung các tiết mục ảo thuật không có gì mới. Hầu hết các đoàn cùng biểu diễn một số trò quen thuộc: biến ra chim, ra hoa hồng, thay áo, giấu người, cắt người. Những đoàn “tiềm lực” như Liên đoàn Xiếc trung ương, Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam thì cồng kềnh hơn với đạo cụ và thêm thắt cả vũ đạo. Sự thêm thắt này làm rối sân khấu, khiến ảo thuật bị “lép vế” chứ không tạo được hiệu ứng từ phía khán giả. Chính vì thế, chương trình đã không tránh khỏi sự nhàm chán - điều mà ban tổ chức cũng đã... dự đoán.

Thực tế này là nỗi buồn của các nghệ sĩ ảo thuật Việt Nam hiện nay, vì họ đều là những đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa và đơn lẻ, nguồn vốn không nhiều nên tất cả chỉ loanh quanh vài trò biểu diễn kiếm doanh thu. “Cái khó bó cái khôn” ấy đã có lúc khiến nghệ sĩ rời xa ảo thuật vì người dân không bỏ tiền ra để xem đi xem lại những gì đã xem rồi.

Nghệ sĩ Đoàn Minh Quang (đoàn Tiền Giang) ra Hà Nội tham gia liên hoan một mình. Bao năm qua, do không đủ tiền sắm đạo cụ nên nghệ sĩ này rèn giũa những trò nho nhỏ cho đôi tay. Ông bảo dù sao ông vẫn thèm được biểu diễn những tiết mục lớn như giấu người, cắt người. Nhưng những trò đó mà không sắm đạo cụ thì đành chịu. “Tôi từng bỏ nghề để làm kinh doanh, rồi về quê làm thợ mộc mất hơn chục năm. Khi kiếm được lưng vốn kha khá lại quay về ảo thuật vì không dứt được tình yêu. Hiện nay tôi đang truyền dạy cho 30 học viên. Học thì học thế còn theo nghề lại là chuyện khác” - nghệ sĩ Đoàn Minh Quang chia sẻ.

Tại liên hoan, anh em nghệ sĩ đều kêu: khó diễn quá. Cũng vì các ảo thuật gia đều phải diễn ở sân khấu tròn của rạp xiếc trung ương, khán giả tứ phía. Tuy nhiên, xem ra sân khấu chỉ là cái khó nhỏ. Cái khó lớn mà các nghệ sĩ đang sống bằng nghề ảo thuật muốn kêu là: đến bao giờ nghệ sĩ ảo thuật mới được thật sự quan tâm?

Nếu vẫn giữ tình trạng hoạt động như hiện nay thì ảo thuật Việt Nam mãi mãi cũ kỹ, quê mùa và sẽ đến lúc tự biến mất.

Chưa tạo môi trường biểu diễn, đào tạo ảo thuật

NSND Lê Tiến Thọ - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: “Ảo thuật là một bộ phận của nghệ thuật xiếc song lâu nay ở Việt Nam chưa được chú trọng đầu tư, từ việc tạo môi trường biểu diễn hay đào tạo. Vì vậy, nhìn lại từ liên hoan, tôi thấy cần phải làm một việc gì đó thiết thực cho ảo thuật Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL về kế hoạch tổ chức liên hoan ảo thuật theo định kỳ hai năm một lần. Về lâu dài, chúng tôi đã đưa ảo thuật vào kế hoạch phát triển nghệ thuật xiếc trong 20 năm tới”.

ĐỨC TRIẾT

No comments:

Post a Comment